Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Nguồn gốc hoa Hồng và Chocolate ngày Valentine

Những cái gai của hoa hồng như những khó khăn và trắc trở sẽ gặp phải trên suốt quãng đường tình sẽ đi qua, nhưng ai đủ can đảm vượt qua thì sẽ đạt được tình yêu nồng thắm và cháy bỏng.
Hoa hồng là món quà cực kỳ tinh tế không gì thay thế được trong ngày lễ tình nhân, vì hoa hồng đỏ được coi là hoa thánh dành cho Thần Vệ nữ (nữ thần sắc đẹp), còn màu đỏ tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt. Hoa hồng đỏ thể hiện tình yêu của đôi lứa được xây nên từ chính những dòng máu đỏ lấy ra từ tim. Những cái gai của hoa hồng như những khó khăn và trắc trở sẽ gặp phải trên suốt quãng đường tình sẽ đi qua, nhưng ai đủ can đảm vượt qua thì sẽ đạt được tình yêu nồng thắm và cháy bỏng.
Khi bạn tặng cho một ai đó đóa hoa hồng đỏ nghĩa là bạn đã trao cho người ấy thông điệp cực kỳ quan trọng “I LOVE YOU”.
Chocolate trở thành quà tặng trong ngày Valentine bắt đầu từ năm 1902. Một trong những slogan được dập nổi trên những miếng chocolate là "Be Mine" (Hãy là của anh/em).
Nếm một miếng Chocolate bạn sẽ cảm nhận được đầy đủ các vị: chát đắng, ngọt bùi... Cũng giống như khi bạn nếm trải tình yêu có khi ngọt ngào, có lúc đắng cay, nhưng tình yêu luôn mang đến cho con người sự thích thú khi được trải nghiệm nó.
Mặt khác Chocolate còn là một thực phẩm bổ dưỡng, mang lại cho con người sức khỏe, sự hưng phấn. Từ rất lâu trong các bộ tộc thổ dân da đỏ người ta đã biết đến Chocolate như một thực phẩm của quyền lực và sức mạnh.
Debra Waterhouse - tác giả cuốn “Vì sao phụ nữ cần Chocolate”, viết rằng: 68% phụ nữ có ham muốn dành cho Chocolate, 50% sẽ chọn chocolate hơn sex và 22% sử dụng Chocolate như một thực phẩm kích thích.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Nguồn gốc hoa Hồng

Nguồn gốc hoa Hồng

Hoa hồng có một lịch sử lâu đời và đầy màu sắc, chúng là biểu tượng của tình yêu, sắc đẹp, chiến tranh và chính trị. Theo các mẫu hóa thạch thì hoa hồng đã có mặt cách đây 35 triệu năm.
Không loài hoa nào được nhiều người biết đến như hoa hồng. Hoa hồng biểu tượng cho hoa tình yêu. Với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu mang một ý nghĩa về tình yêu riêng. Vậy lịch sử của hoa hồng là như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Nguon Goc Hoa Hong 1
Hoa hồng có một lịch sử lâu đời và đầy màu sắc, chúng là biểu tượng của tình yêu, sắc đẹp, chiến tranh và chính trị. Theo các mẫu hóa thạch thì hoa hồng đã có mặt cách đây 35 triệu năm. Vào khoảng 3000 năm trước công nguyên, người Sumerian, nay thuộc Irap, đã có những ghi nhận đầu tiên về hoa hồng. khoảng 600 năm trước công nguyên, những bài thơ ca về hoa hồng đã ra đời, chúng ca ngợi vẻ đẹp hoa hồng như là nữ hoàng của các loài hoa.
Nguon Goc Hoa Hong 2
Trong tự nhiên, giống hoa hồng có khoảng 150 loài, phân bố khắp bán cầu bắc, từ Alaska cho đến Mexico và ở cả Bắc Phi. Trung Quốc cóc thể là nơi đầu tiên thuần hóa hoa hồng, cách đây khoảng 5000 năm. Dưới đế chế La Mã, hoa hồng được trồng rộng rãi ở vùng Trung Đông. Chúng được dùng trang trí các buổi tiệc, hay được dùng làm thảo dược và nước hoa. Sau sự sụp đổ của đế chế La Mã, sự phổ biến của hoa hồng tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau. 

Nguon Goc Hoa Hong 3

Nhưng mãi đến thế kỷ XVIII thì những giống hồng từ Trung Quốc mới được giới thiệu ở châu Âu, hầu hết những giống hồng ngày nay đều có nguồn gốc từ nó. Kể từ đây, bắt đầu một thời kỳ lịch sử mới của hoa hồng, với ngày càng nhiều giống hoa hồng lai tạo đã được ra đời.
Hoa hồng là các cây bụi mọc đứng hoặc mọc leo, thân và cành có gai. Lá kép lông chim lẻ, lá chét khía răng, có lá kèm. Hoa thơm, màu sắc đa dạng: hồng, trắng, vàng hay đỏ... Hoa thường có nhiều cánh do nhị đực biến thành. Đế hoa hình chén. Quả bế, tụ nhau trong đế hoa dày lên thành quả.
Nguon Goc Hoa Hong 4
Quả hoa hồng

Nguon Goc Hoa Hong 5
Bụi hồng lớn nhất thế giới
"Lady Banksia Rose" là bụi hồng lớn nhất thế giới, được đặt trong Viện bảo tàng cây hồng ở Tombstone, Arizona USA. Tên nó cũng đã được ghi trong sách kỷ lục Guiness. Khi nở hoàn toàn, bụi hồng này có đến hơn 200000 bông hồng trắng. Cây hồng này có nguồn gốc từ nước Anh từ thế kỷ 18.
Bụi hồng cổ xưa nhất thế giới
Bụi hồng cổ xưa nhất còn sống ở bên ngoài một thánh đường ở Hildesheim, Đức. Những tài liệu chứng minh rằng nó đã ở đó từ năm 815 (!!!). Trong suốt thế chiến II, bụi hồng bị bắt lửa do bom của quân liên minh rơi xuống gần đó, nhưng hệ thống rễ của nó vẫn không bị phá hủy và bụi hồng vẫn còn tiếp tục nở hoa đến bây giờ.
Nguon Goc Hoa Hong 6

Nguon Goc Hoa Hong 7

Áo cưới cô dâu được làm từ hoa hồng đỏ

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Sự tích hoa Hồng

Sự tích hoa Hồng

Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng to lớn và rậm rạp có một quốc vuơng nọ. Vương quốc nầy sống thật hòa bình và yên vui sau một thời gian dài chiến tranh triền miên. Và vị anh hùng chỉ huy người dân của vương quốc này được dân chúng tôn lên làm vị vua đầu tiên.
Sống trong hoà bình, họ chỉ lo sống cho những quyền lợi của cá nhân mình. Vị hoàng đế kia cũng chỉ lo an hưởng ngai vàng của mình, bỏ bê việc nước, không chăm lo cho dân và để mặc lũ tham quan nhũng nhiễu dân chúng. Vì muốn nhà vua  xao lảng với việc triều chính, bọn tham quan đã chọn một thiếu nữ tuyệt đẹp để vua lập làm hoàng hậu . Nhưng trái với mong muốn của bọn quan lại, hoàng hậu lúc nào cũng hết lời khuyên răn nhà vua nên lo cho dân chúng và chỉnh đốn việc triều chính. Lũ quan lại rất ghét hoàng hậu, nhưng không làm gì được vì nhà vua quá thương yêu nàng. 
Cho đến một ngày, sau một thời gian thụ thai, hoàng hậu sinh ra một đứa bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Lạ lùng thay, thân thể của đứa bé trai đó lại trong suốt như pha lê, đến độ thấy rõ từng đường gân, mạch máu và trái tim. Thấy cơ hội đã đến, bọn tham quan bèn dèm pha với nhà vua rằng hoàng hậu là một phù thủy trá hình và đồn thổi tin này ra ngoài cho toàn dân.

Trước áp lực của bầy tôi và sự phản đối của dân chúng, nhà vua đã truất phế hoàng hậu ra khỏi hoàng cung cùng với đứa bé lạ lùng kia. Trở thành một thường dân, hoàng hậu đem con đi khỏi hoàng cung. Đi tới nơi đâu cũng bị dân chúng chửi mắng và xua đuổi. Suốt trên đường tìm nơi ẩn trú, hoàng hậu đã bị bao kẻ ném đá, dùng gậy đánh đập mà chỉ biết cắn răng dùng thân thể mình để che chở cho đứa con thơ. Với bao vết thương trên mình, hoàng hậu bồng con đến khu rừng già và ngã ra vì kiệt sức. Nhìn hài nhi mới ra đời trong lúc biết mình sắp chết, hoàng hậu không biết làm gì hơn là đưa tay vuốt ve con mình vài lần, nước mắt tuôn ra và trút hơi thở cuối cùng. 

Đứa bé nằm bên mẹ không ai cho ăn nên khóc lên thảm thiết vì cơn đói. Tiếng khóc vang lên tận chín tầng trời làm Thượng Đế động lòng ngó xuống trần gian. Khi thấy hoàn cảnh thương tâm đó, Thượng Đế nổi giận vì lòng tàn ác của người dân vương quốc kia. Ngài bèn sai thiên thần mang đứa bé vô rừng chăm sóc cho nó lớn lên trong tình thương của thiên nhiên và muôn cầm. Sau đó, ngài ban một lời nguyền khiến cho toàn thân thể của từng người dân bị gai nhọn mọc đầy người, để suốt đời không ai được gần gủi ai cho đến khi mọi người biết thương yêu nhau. Từ đó người dân của quốc gia nầy đều mang trên mình một lớp gai, từ vua tôi cho đến hạng bần cùng. Nhưng dù cho lớp gai trên mình ngày một dài và cứng nhọn theo lòng tham ngày càng to lớn, họ cứ sống cho cá nhân mình mặc dù phải trả giá cho lòng vị kỷ đó bằng sự cô đơn khủng khiếp dằn vật tâm linh. 

Một ngày kia, nghe tin vương quốc này đang trở nên yếu thế, một quốc gia khác bèn đem quân sang xâm lấn lãnh thổ. Khi quân xâm lăng tràn qua bờ cõi, toàn dân trong nước ai cũng tự lo thân và trốn tránh nghĩa vụ. Nhà vua lúc đó đã lớn tuổi mà vẫn bị lũ bầy tôi tham sống sợ chết làm áp lực bắt đem một toán quân ra chiến đấu. Sức mình thì yếu, sức địch thì mạnh. Sự thất bại đến với nhà vua thật nhanh chóng. Dẫn tàn quân chạy về hoàng thành thì mới hay lũ tham quan đã đem dâng cho giặc tự bao giờ. Phẫn chí, nhà vua quyết liều mình đem quân cố chiếm lại thành trì nhưng cuối cùng phải ngã ngựa vì một mũi tên có tẩm thuốc độc. Nhà vua được một số quân trung thành cứu thoát và chạy trốn đến bên bìa rừng. Nhìn lại binh sĩ lớp bị thương, lớp bỏ mình chung quanh, nhà vua lấy làm hối hận rằng mình đã không nghe lời hoàng hậu khuyên ngày trước. Nhớ đến hoàng hậu, nhà vua lại nhớ đến đứa con thơ vô tội của mình ngày xưa. Rồi nhà vua ngã bệnh vì vết thương hành hạ. Bên ngoài thì địch quân vây khốn, trong rừng thì binh sĩ liều mạng để tử thủ với quân thù. Nhà vua lập đồn trong rừng làm chiến khu và để tập luyện binh sĩ. 

Ngày qua ngày, dưới ách đô hộ nghiệt khắc của quân xâm lăng, người dân của vương quốc đó càng nghe đồn thêm về một quốc gia trong khu rừng già huyền bí nọ. Dần dần, người dân tìm cách trốn đi và tìm vào rừng để gia nhập. Phía quân xâm lăng cũng điêu ngoa, họ cho người trà trộn vào trong rừng nhưng kế hoạch không thi hành được vì không thể nào giả mạo được lớp gai cứng mọc trên thân thể của người dân bản xứ. Người dân đã biết đoàn kết để tạo cho khuyết điểm trên thân thể mình thành ưu điểm để chống giặc ngoại xâm. Một ngày kia, với binh hùng tướng mạnh, nhà vua bắt đầu công cuộc dành lại quê hương. Lần nầy, với đoàn quân thiện chiến và với lòng tin thống nhất, nhà vua đã chiếm lại được thành trì và xua đuổi quân xâm lăng ra khỏi lãnh thổ. 
Không may, trong trận chiến cuối cùng nhà vua lại bị thương. Vốn đã yếu sức vì tuổi già, lại còn lao lực trong trận chiến dài đăng đẳng, nhà vua bệnh ngày càng thêm nặng. Toàn dân trong nước chưa kịp reo mừng dành lại độc lập đã phải mang nỗi buồn cho tình trạng ngày càng nguy ngập của nhà vua. Biết mình sắp chết, nhà vua trong cơn sốt đã thốt lên rằng: 
"Ta chết cũng đành lòng, nhưng trời ơi, sao ta thèm được một lần ôm đứa con mà ta chưa hề biết mặt !..." 

Bỗng nhiên có tin báo từ bên ngoài thành có một người thầy thuốc nói sẽ trị hết bệnh cho nhà vua. Cửa hoàng thành rộng mở. Người thầy thuốc bước vào hoàng cung với tấm vải thô che kín thân thể mà không ai nhìn thấy mặt. Khi đến gần giường bệnh, người thầy thuốc đứng lặng yên thật lâu bên nhà vua mà không nói tiếng nào. Khi nghe nhà vua gọi con trong cơn sốt, người thầy thuốc rơi lệ. Giọt lệ nhỏ xuống trên gò má nhăn nheo của nhà vua làm nhà vua thức tỉnh và mở mắt nhìn người đang đứng bên cạnh mình. Khi nhà vua đua tay lên vói, người thầy thuốc bèn nắm chặt lấy tay nhà vua, quì xuống bên cạnh người và nói rằng: "Thưa phụ hoàng, con đây !". 

Rồi người thầy thuốc hất tấm vải thô che mình xuống đất để lộ ra một thân thể trong suốt như pha lê. Để chữa bệnh cho cha, vị hoàng tử nâng vua cha lên và ôm người thật chặt vào lòng, mặc cho những gai nhọn đâm vào người thật sâu. Và máu chàng đã chảy ra. Lạ thay, khi máu của chàng thấm lên thân thể của nhà vua thì nhà vua cũng thấy mình khỏe lại . Và kỳ diệu hơn nữa, lớp gai nhọn trên thân thể nhà vua cũng tan biến dần theo từng giọt máu của vị hoàng tử đổ xuống. 
Sau đó vị hoàng tử bèn đặt nhà vua nằm lại trên giường để dưỡng bệnh. Từ từ đứng dậy và bước đến người đứng gần mình nhất, vị hoàng tử ôm lấy người đó và nói: 
"Chúng ta hãy thương yêu nhau. Bất cứ hình phạt nặng nề nào của Thượng Đế cũng đều được giảm bớt nếu chúng ta biết chân thành yêu thương nhau". 

Rồi cứ thế từ người này sang người khác, chàng đi khắp thành mà ôm từng người một, từ ông lão nghèo nàn đến người thương gia giàu sang, từ em bé tật nguyền đến chàng thanh niên khỏe mạnh. Và cứ thêm mỗi người được ôm thì vị hoàng tử càng yếu dần theo từng giọt máu ứa ra trên thân thể họ. Cho đến lúc kiệt sức, chàng quị xuống bên đường. Tuy vậy, chàng vẫn mở rộng vòng tay kêu gọi mọi người đến cùng chàng mà chia sự sống. Mọi người nức nở khóc trước tình thương bao la của chàng. Những người sau cùng chưa được thoát bệnh đồng quì xuống bên chàng mà nói: 

"Chúng tôi xin hoàng tử đừng lao lực thêm nữa. Chúng tôi thành tâm nguyện mang lớp gai này trên mình để người còn được sống cùng chúng tôi". 
Lạ thay, từ trên thinh không bỗng có tiếng nhạc thánh thót vang lên và có lời truyền của Thượng Đế phán rằng: 
Su tich hoa Hong 01
Sự tích hoa hồng
"Lành thay ! Các người hiểu được tình yêu thương chân thật và bỏ đi lòng tị hiềm, ích kỷ. Dám hy sinh bản thân mình cho đồng loại là định nghĩa của yêu thương vậy". 
Rồi cùng với thinh âm tan dần vào không gian, các lớp gai trên thân hình của những người còn lại đều biến mất đi. Khi người ta nhìn lại thì vị hoàng tử đang khép mắt lại với lời nói thật hiền hòa thoát ra theo làn hơi thở sau cùng: 
"Hạnh phúc là có nhau hôm nay để sống. Yêu thương là biết sống làm sao để ta có nhau ngày mai. Các bạn của tôi ơi, hãy nhớ rằng hạnh phúc không phải là của riêng ta để cho đi hay lấy lại. Hạnh phúc chỉ đến với ta khi ta biết yêu thương lẫn nhau và chia sẻ cho nhau tình thương đó..." 

Rồi chàng lìa đời sau câu nói đó. Ngày hôm sau, dưới sự hướng dẫn của nhà vua, toàn dân trong thành đã đưa di thể của chàng xuống lòng đất muôn đời, bên cạnh khu rừng nọ. Lạ thay, khi xác của chàng vừa được chôn dưới lòng đất xong, người ta bỗng thấy có những chim muông, cầm thú kéo thành đoàn từ trong rừng ra nằm quanh ngôi mộ của chàng thật lặng yên và buồn bã. Một năm sau, người ta thấy trên ngôi mộ của chàng và chung quanh khu vực đó mọc lên những bông hoa đỏ tươi như máu với thật nhiều gai nhọn từ gốc đến ngọn. Người ta cho đó là sự kết tinh lại của tình thương của chàng hoàng tử để nhắc nhở cho người đời bài học cao cả nhất về yêu thương và hạnh phúc. Và người ta gọi loài hoa đó là hoa Hồng.
Su tich hoa Hong 02
Sự tích hoa hồng
Và mãi mãi đến ngày nay, dù mang nhiều màu sắc khác nhau, loài hoa này vẫn tượng trưng cho tình yêu.